Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng


Trên cơ sở đề nghị của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý nội dung kế hoạch tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

Trao đổi với Vụ Theo dõi khiếu nại tố cáo và Phòng, chống tham nhũng – Văn phòng Chính phủ, được biết, mục đích việc tổng kết, sơ kết này là nhằm đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức liên quan.

 

Biểu dương các cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng

Biểu dương các cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng

Đồng thời, làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó kiến nghị các biện pháp, giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTN cho giai đoạn tiếp theo.

Nội dung tổng kết, sơ kết bao gồm việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN; công tác xây dựng thể chế về PCTN; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tình hình tham nhũng và việc phát hiện, xử lý tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN…

Theo kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan sẽ tiến hành tổng kết, sơ kết, xây dựng báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN (thời kỳ từ 1/7/2006 đến 30/6/2011) và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 (thời kỳ từ khi ban hành Chiến lược đến 30/6/2011).

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương tổng kết, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN (thời kỳ từ 1/7/2006 đến 30/6/2011). Thời hạn hoàn thành là ngày 30/9/2011.

Thanh tra Chính phủ cũng sẽ tổ chức các tổ công tác làm việc với một số Bộ, ngành, địa phương (trong quá trình Bộ, ngành, địa phương tổng kết, sơ kết hoặc sau khi các Bộ, ngành, địa phương đã có báo cáo tổng kết, sơ kết nếu thấy cần thiết) để trực tiếp khảo sát, nắm tình hình thực hiện và làm rõ thêm thực trạng, nguyên nhân những ưu điểm, hạn chế, vướng mắc hoặc cơ sở, căn cứ để Bộ, ngành, địa phương đưa ra các kiến nghị, đề xuất.

Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 12/5/2009) đề ra mục tiêu, cần ngăn chặn, triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Song song với đó là việc hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch. Đồng thời hoàn thiện chính sách xử lý, nhất là chính sách hình sự, tố tụng hình sự đối với tham nhũng…

Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh việc xử lý những vụ việc tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong dân. Giai đoạn thứ hai (từ năm 2011-2016), tiến hành mở rộng các biện pháp phòng ngừa như kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN làm căn cứ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật này phù hợp với tình hình mới. Giai đoạn thứ ba (2016-2020), tiếp tục làm tốt các giải pháp đã đề ra và đã thực hiện từ các giai đoạn trước.

Đức Nam


(Theo website Nguyễn Xuân Phúc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét